Doanh nghiệp chuyển đổi ‘kép’

Bình DươngNgoài chuyển đổi số, không ít doanh nghiệp tại Bình Dương áp dụng xanh trong sản xuất để nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh trên thị trường.

Công ty Cổ phần May mặc Bình Dương (TP Thuận An) là một trong số đơn vị áp dụng chuyển đổi số và định hướng sản xuất xanh. “Cùng với việc ứng dụng công nghệ, tối ưu hóa các quy trình quản lý, tiết kiệm nguồn lực, chúng tôi chú trọng chuyển đổi xanh thông qua áp dụng quy trình sản xuất sạch hơn nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đối với môi trường”, ông Phan Thành Đức, Tổng giám đốc chia sẻ.

Theo vị này, trong ngành dệt may hiện có nhiều doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số và công nghệ xanh vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Một trong số lý do là đối tác, khách hàng yêu cầu quá trình sản xuất phát sinh thừa vải hay sản phẩm bị lỗi thì doanh nghiệp không được phép tiêu hủy mà phải tái chế, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đạt ESG (chỉ số môi trường, xã hội và quản trị).

Kết quả cho thấy các doanh nghiệp áp dụng định hướng này đều gia tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí, tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, đơn hàng cũng vì thế mà tăng hơn.

Ông Lưu Trí, Tổng giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp Nghệ Năng cho rằng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã và đang tạo ra nhiều cơ hội, song cũng đặt ra không ít thách thức đối với các doanh nghiệp. Để phát triển bền vững, tăng cường khả năng chống chịu, thích ứng trước những biến động lớn của nền kinh tế thế giới, chuyển đổi kép là con đường mang lại hiệu quả cao nhất trong thời gian ngắn nhất.

Là đơn vị chuyên sản xuất ống gió, phụ kiện ống gió, van gió, cửa gió, ông Trí quyết định đầu tư hệ thống dây chuyền, máy móc tự động và bán tự động 100% nhập khẩu, từng bước đáp ứng những đơn hàng có khối lượng lớn của đối tác. Bên cạnh đó, công ty đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông minh để sản xuất ra hệ thống máy móc điều khiển thông minh, đáp ứng yêu cầu của các tập đoàn lớn trong và ngoài nước. Đơn vị cũng chú trọng yếu tố sản xuất xanh và các hoạt động bảo vệ môi trường để đáp ứng tiêu chí xanh trong sản xuất…

Tại hội nghị “Xu hướng chuyển đổi kép và vai trò của công nghệ trong sứ mệnh phát triển kinh tế số” diễn ra tại Bình Dương hồi tháng 7, đại diện tỉnh nhấn mạnh sự phát triển của doanh nghiệp là “sức khỏe” của nền kinh tế. Do đó, Bình Dương đẩy nhanh việc việc chuyển đổi số trong hệ thống chính quyền từ cấp tỉnh đến cơ sở. Đồng thời, tỉnh tăng cường khuyến khích, hỗ trợ các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn tập trung nâng cao nhận thức và năng lực chuyển đổi số.

Ngoài ra, thông qua quy hoạch tỉnh và các chính sách hỗ trợ, Bình Dương vận động các doanh nghiệp nằm ngoài khu, cụm công nghiệp ở địa bàn phía Nam chuyển đổi công năng, di dời vào các khu, cụm công nghiệp ở phía Bắc của tỉnh. Trong đó, ưu tiên thu hút những ngành công nghiệp công nghệ cao, ít thâm dụng lao động và sở hữu các công nghệ tự động hóa, thông minh hóa cao…




Công nhân tại Công ty TNHH Công nghiệp Nghệ Năng. Ảnh: Baobinhduong

Lãnh đạo tỉnh cho biết thời gian qua, Bình Dương đẩy nhanh việc chuyển đổi số trong hệ thống chính quyền từ cấp tỉnh đến cơ sở; đồng thời hỗ trợ các cơ quan và doanh nghiệp nâng cao nhận thức và năng lực chuyển đổi số để chủ động tham gia vào quá trình phát triển trong giai đoạn mới. Tỉnh cũng xây dựng và ban hành các kế hoạch cùng chương trình phát triển xanh bền vững gắn với nhiệm vụ từng cấp, từng ngành và địa phương. Bên cạnh những cơ chế chính sách hỗ trợ của Nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp cũng phải có tâm thế sẵn sàng, tăng cường mọi nguồn lực để chuyển đổi số và xanh thành công.

Bà Nguyễn Thúy Hằng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Phát triển Công nghiệp (Sở Công Thương) cho biết, thời gian qua trung tâm tích cực nắm bắt các cơ chế chính sách hỗ trợ của Trung ương và tỉnh thông qua các chương trình khuyến công tại địa phương. Qua đó, hỗ trợ các cơ sở sản xuất ứng dụng máy móc công nghệ hiện đại. Các chương trình này cho thấy sự nỗ lực của doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như các cơ sở sản xuất trong quá trình chuyển đổi số, xây dựng và khẳng định thương hiệu. Ngành công thương cũng tích cực hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng quy trình 5S (sắp xếp, sắp đặt, sạch sẽ, sáng suốt, tự giác) trong quá trình sản xuất để xây dựng và duy trì môi trường làm việc thân thiện, sạch sẽ và an toàn…

Ông Lê Minh Chiến, Cục phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết tổng kinh phí ngân sách Trung ương bố trí hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ năm 2024 là 140 tỷ đồng theo quy định tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Kinh phí dự kiến hỗ trợ đào tạo cho hơn 8.000 doanh nghiệp bao gồm cả hình thức đào tạo trực tiếp và trực tuyến, tư vấn và hỗ trợ ứng dụng các giải pháp chuyển đổi số cho hơn 800 doanh nghiệp.

Đồng thời, doanh nghiệp nhỏ được hỗ trợ tối đa 50% giá trị hợp đồng tư vấn chuyển đổi số, tối đa 50 triệu đồng một hợp đồng một năm. Doanh nghiệp vừa được nhận 100 triệu đồng một hợp đồng mỗi năm. Chính phủ sẽ hỗ trợ 50% chi phí cho doanh nghiệp thuê, mua các giải pháp chuyển đổi số, tối đa 20 triệu đồng một năm cho doanh nghiệp siêu nhỏ, 50 triệu đồng một năm cho doanh nghiệp nhỏ và 100 triệu đồng một năm cho doanh nghiệp vừa.

Hải My


Source link

Related posts

Gượng dậy sau lũ kỷ lục

Đông nghịt người xếp hàng mua bánh Trung thu ở TP HCM

30 thi thể được tìm thấy quanh điểm xe khách 29 chỗ bị cuốn trôi