Cách phòng ngừa ngộ độc thực phẩm sau lũ

Người dân nên chọn thực phẩm tươi, tránh thức ăn có mùi thiu, mốc, bao bì rách hoặc thủng, phồng bất thường.

Trong mùa bão lũ, đặc biệt khi cơ sở vật chất thiếu thốn, thực phẩm không đảm bảo vệ sinh và nguồn nước sạch khan hiếm, nguy cơ ngộ độc thực phẩm tăng cao.

Theo BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM – Cơ sở 3, ngộ độc thực phẩm là tình trạng bị trúng độc do dùng thức ăn, nước uống bị nhiễm khuẩn, nhiễm độc hoặc biến chất, ôi thiu, vượt quá liều lượng cho phép chất bảo quản, chất phụ gia.

Ngộ độc thức ăn có thể xảy ra sau khoảng vài phút hoặc vài giờ, cũng có thể 1-2 ngày sau khi hệ tiêu hóa tiêu thụ hết thực phẩm. Song, nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm.

Để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm mùa bão lũ, TS.BS Bùi Phạm Minh Mẫn, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM – Cơ sở 3, khuyến cáo trong điều kiện thiếu thốn, việc chọn lựa thực phẩm có thể khó khăn, nhưng người dân hãy cố gắng chọn những thực phẩm còn tươi, không có dấu hiệu hư hỏng, mốc meo hoặc có mùi khó chịu.

Nếu có điều kiện, hãy ưu tiên sử dụng các loại thực phẩm đóng hộp, đóng gói kín, có hạn sử dụng rõ ràng. Cần chú ý kiểm tra xem bao bì có bị rách, thủng hoặc phồng lên bất thường không – đó có thể là dấu hiệu thực phẩm bị nhiễm khuẩn.

Trong tình huống không có đủ điều kiện để nấu chín, tránh ăn các loại thức ăn sống hoặc chưa được nấu kỹ như thịt sống, hải sản sống, rau sống. Các thực phẩm này là nguồn dễ gây nhiễm khuẩn dẫn đến ngộ độc.




Người dân thôn An Lạc, xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn, Hà Nội được sơ tán tránh lũ, chiều 12/9. Ảnh: Nguyễn Đông

Theo bác sĩ Mẫn, để giữ vệ sinh an toàn thực phẩm, dù thiếu nước khi thiên tai, vẫn cần đảm bảo rửa tay kỹ bằng xà phòng hoặc dung dịch rửa tay khô trước khi ăn, trước khi chế biến thực phẩm và sau khi đi vệ sinh.

Đảm bảo dụng cụ ăn uống sạch sẽ bằng cách sử dụng nước sạch để rửa bát đũa. Nếu không có nước, hãy dùng khăn giấy khô hoặc khăn sạch lau sạch dụng cụ trước khi dùng. Uống nước đun sôi hoặc nước đã được lọc qua các thiết bị lọc, tránh dùng nước máy hoặc nước từ các nguồn không đảm bảo vệ sinh.

Bên cạnh đó, người dân chịu ảnh hưởng bão lũ cũng cần có chế độ ăn uống phù hợp. Nên ưu tiên thực phẩm dễ bảo quản. Thực tế, trong mùa mưa bão, thực phẩm như gạo, mì gói, lương khô, sữa hộp, nước uống đóng chai là những lựa chọn an toàn hơn vì dễ bảo quản và không dễ bị hỏng như thực phẩm tươi sống.

Đồng thời tránh ăn thực phẩm để quá lâu bởi thực phẩm đã nấu chín nhưng không bảo quản đúng cách hoặc để bên ngoài quá lâu cũng dễ bị nhiễm khuẩn.

Khi nhận thấy bản thân hoặc những người xung quanh có những biểu hiện ngộ độc, cần bình tĩnh và áp dụng những biện pháp sơ cứu ngay lập tức bằng cách gây nôn, bù nước và đưa đến ngay các cơ sở y tế để giảm thiểu ảnh hưởng, tác động xấu đến sức khỏe người bệnh.

Mỹ Ý


Source link

Related posts

Gượng dậy sau lũ kỷ lục

Đông nghịt người xếp hàng mua bánh Trung thu ở TP HCM

30 thi thể được tìm thấy quanh điểm xe khách 29 chỗ bị cuốn trôi