Image default
Thời sự

Có thể đi máy bay sau chuyển phôi thụ tinh ống nghiệm không?

Đi máy bay sau chuyển phôi có ảnh hưởng đến tỷ lệ phôi thai làm tổ không? (Ngọc Ánh, 34 tuổi, Hải Phòng)

Trả lời:

Chuyển phôi là thủ thuật quan trọng nhằm đưa phôi thai được nuôi cấy trong môi trường ống nghiệm vào tử cung người mẹ. Lúc này, phôi sẽ nỗ lực bám sâu vào niêm mạc tử cung, làm tổ và tiếp tục phân chia tế bào mạnh mẽ để phát triển thành thai nhi khỏe mạnh.

Tỷ lệ chuyển phôi thành công phụ thuộc vào chất lượng phôi, chất lượng niêm mạc tử cung (lớp tế bào mỏng trên bề mặt phía bên trong lòng tử cung), sự tương tác giữa phôi và niêm mạc tử cung. Độ tuổi và một số bệnh lý nền của phụ nữ cũng ảnh hưởng đến kết quả của quá trình này.

Các chuyên gia khuyến nghị phụ nữ nên nghỉ ngơi hoàn toàn trong khoảng một giờ sau chuyển phôi. Sau đó, người bệnh có thể đi lại và sinh hoạt bình thường nếu không có bất thường, kể cả việc di chuyển bằng máy bay.

Cấu trúc buồng tử cung là khoang kín. Cổ tử cung chỉ mở khi có kinh nguyệt hoặc sắp đến ngày sinh. Khi phôi được đặt vào vị trí phù hợp, buồng tử cung tự động khép dần lại, cổ tử cung luôn đóng chặt. Cấu trúc niêm mạc tử cung gồ ghề được bao phủ bởi tuyến nhầy nên phôi không dễ bị rớt ra ngoài như nhiều người lầm tưởng. Khi chuẩn bị chuyển phôi, bác sĩ chỉ định dùng thuốc nội tiết chứa hormone progesterone để chuyển trạng thái niêm mạc tử cung sang giai đoạn phù hợp. Progesterone khiến chất nhầy ở cổ tử cung đặc lại, giữ cho phôi không bị tống ra ngoài.

Trung tâm Hỗ trợ Sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh (IVF Tâm Anh) ứng dụng một số kỹ thuật khác như xét nghiệm phân tích độ tiếp nhận của niêm mạc tử cung (ERA test) để xác định khoảng thời gian phù hợp nhất mà niêm mạc tử cung có thể tiếp nhận phôi; cào niêm mạc tử cung làm tổn thương nhẹ bề mặt lớp nội mạc; bơm keo dính gắn kết phôi với nội mạc tử cung, tăng cơ hội phôi bám vào để làm tổ.





Bác sĩ IVF Tâm Anh chuyển phôi cho người bệnh. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Bác sĩ IVF Tâm Anh chuyển phôi cho người bệnh. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Một số người lo ngại tiếp xúc với bức xạ khi đi máy bay có thể ảnh hưởng đến chất lượng phôi thai. Tuy nhiên, những bức xạ này chủ yếu đến từ tia vũ trụ (các hạt hạ nguyên tử năng lượng cực cao sinh ra từ vụ nổ của các ngôi sao và lỗ đen vũ trụ, bao gồm cả tia X-quang) không gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Lượng bức xạ đến từ các trạm kiểm soát an ninh sân bay với máy quét toàn bộ cơ thể, máy quét X-quang hành lý… cũng ở mức nhỏ nên đảm bảo an toàn. Hơn nữa, cường độ xạ giảm dần khi đi qua mô. Do đó, lượng bức xạ được cơ thể người mẹ hấp thụ cũng không thể tác động đến phôi thai.

Tuy nhiên, bạn nên lưu ý khi di chuyển trong những chuyến bay đường dài. Nằm nhiều, ngồi lâu liên tục sau chuyển phôi có thể làm tăng nguy cơ thuyên tắc huyết khối (cục máu đông), gia tăng áp lực lên vùng chậu, gây gián đoạn máu lưu thông đến ổ bụng, tử cung, ảnh hưởng đến sự vận chuyển của hormone, dưỡng chất thiết yếu đến nuôi phôi, cản trở quá trình phôi bám vào niêm mạc và làm tổ.

Quá trình trao đổi chất chậm lại cũng ảnh hưởng đến khả năng điều chỉnh lượng đường trong máu, huyết áp, chuyển hóa chất béo, khiến hệ cơ và xương yếu hơn. Lúc này người phụ nữ có thể xuất hiện các triệu chứng đau bụng, khó tiêu, táo bón, tăng nguy cơ mắc bệnh tim, tiểu đường. Ngồi một chỗ trong thời gian dài còn gây cảm giác bí bách, khó chịu, hình thành cảm xúc tiêu cực ảnh hưởng hiệu quả chuyển phôi.

Bạn nên chuẩn bị gối, đệm lưng để hỗ trợ lưng và cổ, giảm áp lực lên các điểm tiếp xúc với ghế, giúp cải thiện tuần hoàn máu. Đi lại nhẹ nhàng sau mỗi 30-60 phút để giảm áp lực lên tử cung. Tránh các hoạt động mạnh hoặc di chuyển nhiều có thể gây rung lắc, co thắt tử cung, tăng áp lực lên vùng bụng dưới, cản trở quá trình làm tổ của phôi thai.

Một lưu ý khác là việc đáp ứng quá mức với thuốc nội tiết trong quá trình kích trứng khi làm thụ tinh ống nghiệm cũng có thể khiến người bệnh bị quá kích buồng trứng. Biến chứng này có thể xảy ra ngay từ giai đoạn tiêm thuốc kích trứng, kéo dài tới sau chọc hút trứng (noãn) khoảng 1-2 tuần.

Khi bị quá kích, người phụ nữ có cảm giác khó chịu, đau bụng, buồn nôn… hay một số biến chứng nguy hiểm hơn như tràn dịch ổ bụng, tràn dịch tim phổi. Nang trứng phát triển quá mức khiến buồng trứng vặn xoắn, có khả năng phải cắt bỏ buồng trứng. Tình trạng này có thể diễn tiến nhanh, nặng hơn nếu phôi thai làm tổ thành công (trường hợp chuyển phôi tươi khi cơ thể chưa kịp hồi phục sau kích trứng). Người bệnh có thể gặp nguy hiểm nếu không được cấp cứu y tế kịp thời.

Người có thể trạng kém, tiền sử quá kích buồng trứng, sảy thai nhiều lần trước đó có nguy cơ xuất hiện dấu hiệu bất thường, tốt nhất bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa trước khi di chuyển xa. Thời gian phôi thai làm tổ thành công ở mỗi người khác nhau, thông thường là sau chuyển phôi khoảng 5 ngày. Nếu sau chuyển phôi có dấu hiệu bất thường như đau bụng, ra máu… người bệnh cần đến bác sĩ ngay để được kiểm tra và điều trị kịp thời.

Bác sĩ Phạm Thị Anh
Trung tâm Hỗ trợ Sinh sản
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội

Độc giả gửi câu hỏi về vô sinh hiếm muộn tại đây để bác sĩ giải đáp


Source link

Related posts

Bị đình chỉ công tác vì không chỉ đạo khắc phục hậu quả bão lũ

admin

Cây cầu nào từng được phá đi, xây lại hàng năm?

admin

Cột điện ngăn xe mất lái tông trúng hai mẹ con

admin

Leave a Comment